Khoa Gây Mê Hồi Sức: Theo Dõi Huyết Áp Liên Tục, Chính Xác Cho Người Bệnh Trong Quá Trình Phẫu Thuật Thông Qua Đo Huyết Áp Động Mạch Xâm Lấn

Huyết áp là một chỉ số quan trọng của sức khỏe tim mạch. Huyết áp đo bằng áp kế và tai nghe có thể không chính xác trong một số trường hợp, đặc biệt là khi bệnh nhân có tình trạng huyết động không ổn định. Để theo dõi chức năng tim mạch một cách chính xác, phương pháp đo huyết áp động mạch xâm lấn được coi là tiêu chuẩn vàng để thực hiện đo huyết áp liên tục với độ chính xác cao.

Quá trình này cho phép theo dõi áp lực huyết áp hiện tại và nhận biết tiềm năng xu hướng trong suốt quá trình kiểm tra. Phương pháp đo huyết áp động mạch xâm lấn thường được áp dụng trong các tình huống yêu cầu theo dõi áp lực máu liên tục, như: Trong quá trình phẫu thuật hoặc trong các phác đồ điều trị đặc biệt của bệnh nhân.

Tìm hiểu về huyết áp động mạch

Huyết áp động mạch là áp lực của máu tác động lên thành của các động mạch, được hình thành bởi một số yếu tố quan trọng:

  • Lưu lượng máu trong động mạch: Sự chuyển động của máu trong hệ thống động mạch đóng vai trò quan trọng trong quy định áp lực máu.
  • Sức co bóp của trái tim: Sức co bóp này quyết định áp lực máu tại thời điểm tim co bóp, đặc biệt là trong giai đoạn tâm thu.
  • Sức cản ngoại vi: Các yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài, chẳng hạn như: Độ co bóp của động mạch và tình trạng mạch máu, cũng đóng vai trò trong xác định áp lực máu.

Cụ thể, có hai giá trị chính liên quan đến huyết áp động mạch:

  • Huyết áp tâm thu: Là áp lực máu cao nhất trong động mạch khi tim co bóp, thường được biết đến như huyết áp tối đa. Được ghi nhận ở vị trí tử số.
  • Huyết áp tâm trương: Là áp lực máu thấp nhất trong động mạch khi tim đang ở giai đoạn tâm trương. Còn được gọi là huyết áp tối thiểu và được ghi nhận ở mẫu số.

Ngoài ra, một số yếu tố như: Tuổi tác, giới tính, mức độ vận động, tâm lý, và sử dụng thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến giá trị huyết áp động mạch. điển hình có thể thấy nhất là tình trạng huyết áp không ổn định, cao huyết áp, huyết áp thấp,...

Huyết áp động mạch xâm lấn là gì?

Huyết áp động mạch xâm lấn là một phương pháp đo huyết áp trực tiếp tại động mạch, thực hiện thông qua việc sử dụng một ống thông nhỏ (catheter) được đưa vào động mạch. Đầu của ống thông này được kết nối với một máy ghi dữ liệu để theo dõi huyết áp liên tục. Phương pháp này có một số ưu điểm và nhược điểm riêng.

Ưu điểm của phương pháp huyết áp động mạch xâm lấn (IBP):

  • Độ chính xác cao: IBP được coi là phương pháp đo huyết áp chính xác nhất hiện nay.
  • Theo dõi liên tục: Phương pháp này cho phép theo dõi huyết áp liên tục, giúp bác sĩ đánh giá tình trạng huyết động của bệnh nhân một cách toàn diện.
  • Có thể sử dụng trong nhiều trường hợp: IBP có thể được áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm các trường hợp như: Sốc, hạ huyết áp, suy tim cấp, phẫu thuật tim mạch, và theo dõi huyết áp liên tục cho bệnh nhân suy thận.

Nhược điểm của phương pháp IBP:

  • Can thiệp xâm lấn: IBP là một phương pháp can thiệp xâm lấn, có thể gây ra đau và chảy máu tại vị trí đặt catheter.
  • Kỹ thuật khó: Kỹ thuật đo huyết áp động mạch xâm lấn đòi hỏi những yêu cầu nhất định và chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Chỉ định đặt catheter động mạch được xác định trong các tình huống sau đây:

  • Bệnh nhân cần theo dõi áp huyết động mạch liên tục, đặc biệt là ở những trường hợp bệnh nhân mắc suy hô hấp và cần theo dõi đồng thời việc đo khí máu nhiều lần.
  • Tất cả các trường hợp sốc kéo dài hoặc mức huyết áp giảm nặng.
  • Bệnh nhân có nguy cơ mắc các vấn đề về huyết động trong và sau phẫu thuật, đặc biệt là trong các ca phẫu thuật tim và can thiệp vào các mạch máu lớn.
  • Bệnh nhân gặp tình trạng sốt xuất huyết nặng (độ III và IV kèm theo sốc), hoặc trong trường hợp bệnh viêm cơ tim nặng.
  • Khi cần chụp mạch, thay máu thông qua đường tĩnh mạch vào - động mạch ra, hoặc trong các trường hợp không thể đo áp huyết bằng cách thông thường.

Biểu hiện bình thường khi đặt catheter

  • Huyết áp động mạch và sóng mạch hiển thị chính xác trên monitor theo dõi.
  • Không có dấu hiệu chảy máu tại vị trí đặt catheter.

Biến chứng có thể xuất hiện khi đặt catheter động mạch

  • Nhiễm trùng tại chỗ hoặc nhiễm trùng toàn thân nếu nặng.
  • Mất máu do lấy máu để làm xét nghiệm.
  • Tắc mạch do đông máu.
  • Sưng đau và viêm nơi nối catheter.
  • Thiếu máu chi hoặc tắc catheter.