Những Điều Cần Biết Về Bệnh Suy Tim

1. Khái niệm:

Suy tim là một tình trạng mà trong đó tim không bơm tốt,làm hạn chế trong việc bơm máu đi khắp cơ thể. Kết quả là ứ dịch trong cơ thể làm các cơ quan trong cơ thể không nhận đủ máu như nhu cầu. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như phù, khó thở, và cảm thấy mệt mỏi.

                                                   

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân suy tim trái:

  • Tăng huyết áp
  • Bệnh van tim: hở van hai lá, hở hoặc hẹp van động mạch chủ.
  • Viêm cơ tim, hay nhồi máu cơ tim.
  • Rối loạn nhịp tim.

Nguyên nhân suy tim phải:

  • Bệnh phổi mãn tính (hen phế quản, viêm phế quản mạn, giãn phế nang, giãn phế quản, xơ phổi), nhồi máu phổi, tăng áp lực động mạch phổi tiên phát.
  • Gù vẹo cột sống và dị dạng lồng ngực.
  • Hẹp van hai lá.
  • Bệnh tim bẩm sinh: hẹp động mạch chủ, thông liên nhĩ, thông liên thất.

Nguyên nhân suy tim toàn bộ:

  • Viêm tim toàn bộ do thấp tim, viêm cơ tim
  • Bệnh cơ tim giãn
  • Nguyên nhân khác: cường giáp trạng, thiếu vitamin B1, thiếu máu nặng, dò động mạch – tĩnh mạch.

Các yếu tố nguy cơ quan trọng của suy tim:

  • Tăng huyết áp
  • ĐTĐ
  • Hội chứng chuyển hóa
  • Bệnh xơ vữa động mạch

 Các yếu tố làm nặng suy tim:

  • Không tuân thủ điều trị các nhóm thuốc, không hạn chế muối và/hoặc nước
  • Thiếu máu cơ tim cấp, HA cao không được điều chỉnh.
  • Rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác, thuyên tắc động mạch phổi.
  • Mới phối hợp thêm các thuốc có tính giảm co bóp cơ tim
  • Khởi đầu với các thuốc giữ nước
  • Sử dụng các thuốc gây nghiện quá mức (thuốc phiện, rượu)
  • Bất thường nội tiết (đái tháo đường, bệnh tuyến giáp)
  • Bội nhiễm (viêm phổi, nhiễm virus)
  • Rối loạn tim mạch cấp phối hợp (viêm nội tâm mạc trên bệnh van tim, viêm màng ngoài tim, phẫu thuật động mạch chủ,…)

3. Dấu hiệu nhận biết:

  • Khó thở, thường khởi phát khi gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi. Mức độ khó thở tăng lên ở những giai đoạn sau của .
  • Ho thường xảy ra khi nằm, về đêm, có thể ho kèm theo đờm hồng.
  • Tĩnh mạch cổ nổi, phù chân, báng bụng và tăng cân nhanh.
  • Nhịp tim thường nhanh > 120 l/ph
  • Có thể kèm theo đau ngực, tăng lên khi gắng sức.

 

4. Phương pháp chăm sóc và theo dõi:

Chế độ chăm sóc:

  • Nghỉ ngơi là quan trọng, trong trường hợp suy tim nặng phải cho bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường theo tư thế nửa nằm, nửa ngồi.
  • Không được để bệnh nhân gắng sức như lên cầu thang, mang vật nặng, cần giảm hoặc bỏ hẳn các hoạt động gắng sức
  • Bệnh nhân được hướng dẫn chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, tự vận động và xoa bóp, đồng thời tuân thủ chỉ định điều trị và chăm sóc của thầy thuốc.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế nước uống, lượng nước đưa vào căn cứ vào lượng nước tiểu hàng ngày: V (nước vào) = V (nước tiểu) – V (dịch truyền) + 300ml (hoặc 500ml nếu trời nóng hoặc có sốt).
  • Chế độ ăn nhạt muối, suy tim nhẹ lượng muối ăn 1 – 2 g/ngày, suy tim nặng hơn lượng muối ăn 0,5 – 1 g/ngày. Chế độ ăn nhạt <0,5g/ngày trong trường hợp suy tim nặng.
  • Ăn nhiều hoa quả để tăng kali: chuối tiêu, cam, quýt…
  • Hạn chế uống nước: dựa vào lượng nước tiểu trong 24 giờ để uống bù nước
  • Năng lượng: dưới 1500 kcal/ngày. Protein 0,8g/kg cân nặng mỗi ngày. Nên dùng protein từ sữa, cá. Gluxit dùng loại đường đơn dễ hấp thu (hoa quả, mật ong)
  • Chất béo: không cho thêm vào khi chế biến thức ăn. Nên dùng nhiều rau quả.
  • Tránh các thức ăn sinh hơi và các loại thức ăn lên men như trứng, đậu.
  • Hạn chế các thức ăn chè, cà phê, rượu, các gia vị.
  • Không dùng các loại thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối nhưa dưa muối, cà pháo, mắm tôm, bánh mì, thịt hun khói, pa tê, lạp xưởng, xúc xích,…

Chế độ vệ sinh:

  • Cần làm sạch môi trường, nhà ở phải thoáng mát, khô ráo, ít người ở chung
  • Vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng để tránh các ổ nhiễm khuẩn.

Chế độ vận động và PHCN:

  • Vận động nhẹ nhàng ngoài cơn khó thở.
  • Khuyên bệnh nhân nên xoa bóp và làm một số động tác ở các chi, nhất lá hai chi dưới để làm cho máu ngoại vi về tim dễ dàng hơn, giảm bớt các nguy cơ gây tắc mạch, vận động nhẹ nhàng không gây mệt.

Chế độ theo dõi:

  • Thời gian mắc suy tim
  • Thuốc đang điều trị và đáp ứng điều trị
  • Số lượng nước tiểu trong ngày
  • Khó thở thường xuyên hoặc khó thở khi gắng sức
  • Theo dõi mạch, nhịp tim, điện tâm đồ.

5. Phòng bệnh

  • Cách tốt nhất để ngăn ngừa suy tim là kiểm soát các yếu tố nguy cơ và điều kiện gây suy tim như: bệnh động mạch vành, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường hay béo phì; có một chế độ ăn uống cân bằng, bớt mỡ, bớt calo, bớt muối; không hút thuốc lá; tăng cường vận động thể lực; kiểm soát cân nặng, tránh tình trạng béo phì, thừa cân
  • Phòng bệnh tim bẩm sinh
  • Phòng bệnh van tim: tiêm phòng thấp đúng hướng dẫn
  • Phòng bệnh cơ tim, bệnh màng ngoài tim, bệnh phổi mãn tính, hoặc nhiễm độc giáp, suy giáp, thiếu máu… đều phải được điều trị đến nơi đến chốn.