Những Điều Cần Biết Về Tai Biến Mạch Máu Não

TAI BIẾN MẠCH MÃU NÃO

  1. Khái niệm

Tai biến mạch máu não là giảm chức năng của não xảy ra đột ngột do một mạch máu bị vỡ hoặc tắc bao gồm động mạch, mao mạch và hiếm hơn là tĩnh mạch mà không phải do chấn thương.

Về phân loại, người ta chia làm 2 thể chính:

  • Xuất huyết não: chảy máu não do vỡ mạch máu não
  • Nhồi máu não: gây ra bởi tắc mạch hoặc lấp mạch não
  1. Triệu chứng
  • Có thể bắt gặp các triệu chứng:

       Khả năng cử động của cánh tay giảm dần

       Thị lực giảm dần

       Nói lắp

       Một phần cơ thể yếu đi, không cử động được

       Hoa mắt, chóng mặt

       Dáng đi bất thường

       Đau đầu

       Nấc cục

       Khó thở

  • Để dễ nhớ và nhận biết, các triệu chứng chính của TBMMN được tóm tắt bằng chữ F. A.S.T gồm:

 F (Face): Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.

A (Arm): Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.

S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó.

T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

       

       3. Các yếu tố nguy cơ

  • Các yếu tố nguy cơ không thể tác động được:Bao gồm tuổi tác (đa số gặp trên 45 tuổi), giới tính (nam gặp nhiều hơn nữ), chủng tộc, di truyền...
  • Các yếu tố nguy cơ có thể tác động được:

          Tăng huyết áp

          Đái tháo đường

         Các bệnh tim

         Tăng lipid máu

         Hút thuốc lá, nghiện rượu bia

         Tiền sử TBMMN cũ

         Béo phì

         Phình động mạch não

         Dị dạng động – tĩnh mạch não

  1. Điều trị TBMMN

“Thời gian là não”, phát hiện sớm, điều trị kịp thời giúp hạn chế được tỷ lệ tử vong cũng như diễn biến nặng của bệnh. Tùy vào tình trạng người bệnh, bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị:

  • Điều trị nội khoa:

        Điều trị nội khoa tích cực theo phác đồ.

        Dùng thuốc tiêu sợi huyết trong thời gian vàng (trong khoảng 6h sau khi xảy ra) ở thể nhồi máu não.

  • Điều trị ngoại khoa:

       Phẫu thuật giải ép

       Phẫu thuật túi phình mạch não,….

       5. Chăm sóc người bệnh TBMMN

      a) Chế độ dinh dưỡng

  • Nhu cầu về đạm (protein): Cần giữ ở mức 0,8g/kg cân nặng/ngày. Nên chọn những thực phẩm chứa ít cholesterol và nhiều đạm thực vật (đậu đỗ, đậu tương, đậu phụ) và đạm động vật (cá biển, cá đồng, sữa, thịt nạc…). Với các bệnh nhân suy thận, cần giảm lượng đạm từ 0,4 – 0,6g/kg cân nặng/ngày.
  • Nhu cầu về chất béo: nên giữ ở mức 25 – 30g chất béo/ngày, trong đó 1/3 là chất béo động vật và 2/3 là chất béo thực vật như vừng, lạc. Ngoài ra, các loại axit béo trong dầu thực vật còn có khả năng làm giảm nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là do cục máu đông trong lòng mạch máu não.
  • Nhu cầu về vitamin và chất khoáng: Trong các loại hoa quả chín, rau củ, sữa có chứa một lượng lớn các vitamin và chất khoáng. Chúng chứa nhiều kali, có tác dụng lợi tiểu, giảm huyết áp và chống lại tình trạng toan của cơ thể. Nghiên cứu cũng cho thấy, bổ sung ít nhất 300mcg axit folic mỗi ngày sẽ làm giảm 20% nguy cơ đột quỵ và 13% nguy cơ bệnh tim so với người dùng dưới 136mcg/ngày. Axit folic có trong rau xanh, các loại đậu, gạo, mỳ và các loại quả có vị chua,…
  • Nhu cầu về năng lượng: Nên giảm bớt năng lượng trong khẩu phần ăn để tránh tăng cân, giảm nhẹ hoạt động cho bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn. Mức năng lượng đưa vào cơ thể nên dừng ở 30 – 35 Kcal/ kg cân nặng/ngày. Nên ăn rau củ, khoai, đậu đỗ, cơm, mỳ, bún, miến để bổ sung đầy đủ năng lượng cho bệnh nhân bị tai biến.

Nên cho bệnh nhân ăn các những thức ăn dễ tiêu hóa, hấp thu và ở dạng mềm, lỏng như súp, cháo, sữa. Người chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não cần chú ý chia nhỏ bữa ăn thành 3 – 4 bữa/ngày, không nên ăn quá no. Hạn chế mức tối đa các đồ lên men, các chất gây kích thích như gia vị cay, nóng, rượu, chè, cà phê… Không nên cho bệnh nhân ăn mặn, chỉ dùng khoảng 5g muối/ ngày. Tránh các loại thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như dưa, cà, hành muối, bánh mỳ, thịt hun khói, ba tê, xúc xích…

    b) Chế độ tập luyện, vệ sinh cho người TBMMN

  • Đặt bệnh nhân nằm nghỉ ngơi đầu cao và nghiêng về một bên.
  • Tránh lao động trí óc căng thẳng, lo lắng quá độ.
  • Vận động và xoa bóp tay chân. Áp dụng các bài tập phục hồi các chức năng từ nhẹ đến nặng tùy từng bệnh nhân.
  • Thay đổi tư thế mỗi 2 giờ /lần
  • Tránh các yếu tố kích thích cho bệnh nhân.
  • Vệ sinh sạch sẽ: hàng ngày vệ sinh răng miệng và da để tránh các ổ nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có hướng điều trị cho bệnh nhân. áo quần, vải trải giường và các vật dụng khác phải luôn được sạch sẽ.
  • Chăm sóc chống loét bằng đệm hơi hoặc đệm nước, xoay trở người mỗi 2 giờ kèm xoa bóp, tránh viêm phổi (ứ đọng đờm dễ gây viêm phổi) bằng vỗ rung ngực.
  1. Phòng bệnh

Phòng bệnh cấp 0:

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ, song đáng chú ý nhất là tăng huyết áp và xơ vữa động mạch, rất thường gặp ở lứa tuổi từ 50 trở lên, nên có thông tin rộng rãi để các đối tượng trên theo dõi huyết áp đều đặn và áp dụng các biện pháp phòng tăng huyết áp như tránh ăn mặn, hạn chế những căng thẳng về mặt tinh thần, tránh ăn nhiều gây mập phì, tránh các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, tránh gió lùa, mặc ấm khi thay đổi thời tiết, nhất là từ nóng chuyển sang lạnh, đang nằm trong chăn ấm tránh ra lạnh đột ngột.

Ngoài ra cần phòng thấp tim một cách hiệu quả như tránh ở nơi ẩm thấp, giữ ấm khi trời lạnh để tránh viêm họng, khi bị thấp tim phải được theo dõi và điều trị đúng để tránh tổn thương van tim.

Phòng bệnh cấp 1:

Khi có yếu tố nguy cơ (bệnh nguyên) phải điều trị để tránh xảy ra tai biến như theo dõi và điều trị tăng huyết áp, chống ngưng tập tiểu cầu bằng aspirin 150-300 mg/ngày hay disgren 300 mg /ngày khi có xơ vữa động mạch, điều trị hẹp hai lá bằng chống đông khi có rung nhĩ hay nong van hoặc thay van.

Phòng bệnh cấp 2:

Khi đã xảy ra tai biến nhất là tai biến thoáng qua phải tìm các yếu tố nguy cơ trên để can thiệp tránh xảy ra tai biến hình thành. Nếu đã xảy ra tai biến hình thành thì tránh tái phát bằng cách điều trị các bệnh nguyên cụ thể cho từng cá thể.

Phòng bệnh cấp 3:

Thay đổi tư thế kèm xoa bóp mỗi 1 - 2 giờ hay nằm đệm nước để tránh loét. Vận động tay chân để tránh cứng khớp. Kết hợp với khoa phục hồi chức năng hay khoa y học dân tộc để luyện tập, châm cứu cho bệnh nhân đồng thời hướng dẫn cho thân nhân tập luyện tại nhà.